Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về độ ổn định và tin cậy trong cung cấp điện cho khách hàng, đồng thời từng bước hiện đại hóa lưới điện trung thế, Công ty Điện lực Điện Biên đã triển khai lắp đặt thiết bị đóng cắt LBS, Recloser theo mô hình đa chia – đa nối trên các tuyến đường dây trung thế trọng điểm. Giải pháp này đang cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thời gian mất điện, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng tính chủ động trong xử lý sự cố.
Đơn vị thi công thực hiện lắp đặt LBS trên lưới điện
Việc lắp đặt thiết bị theo mô hình đa chia - đa nối đã mang lại nhiều hiệu quả vượt trội như giảm thời gian mất điện, tăng độ tin cậy cung cấp điện, tích hợp tự động hóa với hệ thống SCADA hỗ trợ điều khiển từ xa và giám sát trạng thái vận hành 24/7, ngoài ra còn thuận tiện cho việc bảo trì - sửa chữa mà không cần cắt điện diện rộng.
Tại Công ty Điện lực Điện Biên, với dự án đa chia – đa nối năm 2025, số lượng Recloser được lắp đặt là 06 và số lượng LBS được lắp đặt là 56 trên các tuyến đường dây trung thế trọng điểm tại Thành phố Điện Biên Phủ và các huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé. Các thiết bị đều hỗ trợ điều khiển từ xa qua mạng truyền thông SCADA hoặc RF/3G/4G. Thời gian thực hiện lắp đặt hoàn thành trong tháng 4 năm 2025.
Thiết bị LBS sau khi hoàn thành lắp đặt
Khi xảy ra sự cố như chạm đất tạm thời, Recloser sẽ tự động xử lý và tái đóng, không cần can thiệp thủ công. Đồng thời, các LBS cho phép cô lập nhanh vùng hư hỏng và kết nối lại phụ tải thông qua tuyến dự phòng, đảm bảo việc cấp điện được khôi phục trong thời gian ngắn.
Việc triển khai LBS đa chia - đa nối không chỉ mang lại hiệu quả vận hành trước mắt mà còn là bước đệm quan trọng hướng đến tự động hóa lưới điện. Khi kết hợp cùng hệ thống đo đếm, bảo vệ và điều khiển từ xa, mô hình này sẽ góp phần xây dựng lưới điện phân phối thông minh - Smart Grid, đảm bảo quản lý linh hoạt và tối ưu hóa nguồn lực vận hành.
Giải pháp lắp đặt LBS và Recloser theo mô hình đa chia - đa nối đang khẳng định hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố và hỗ trợ tự động hóa lưới điện. Đây là hướng đi đúng đắn và tất yếu trong quá trình hiện đại hóa ngành điện, đảm bảo phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Đồng thời đây là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển lưới điện thông minh – vận hành linh hoạt – dịch vụ điện hiện đại.
Nguyễn Nam